Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Thiết bị làm nhiễu, phá sóng GPS được từ Trung Quốc tràn ngập Việt Nam

Ngày 6.9,  tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Tổng Cục đường bộ Việt Nam đã tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả khai thác, cũng như sử dụng dữ liệu từ những thiết bị giám sát hành trình được gắn vào xe ô tô. Tại hội nghị, ông Trần Quang Bình cho biết có sự chênh lệch rất lớn của số liệu về số lần và tốc độ vi phạm của Trung tâm xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ TBGSHT với kết quả xử lý dữ liệu của các đơn vị cung cấp dịch vụ GSHT dẫn đến những thắc mắc, khó khăn khi xử lý vi phạm. 

Nguyên nhân này là do tần suất truyền dữ liệu, phương pháp thống kê, tính toán chưa được thống nhất. 
Tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng lái xe lắp thêm công tắt để tắt thiết bị khi phương tiện chạy quá tốc độ.

 “Ngoài ra, trên thị trường hiện nay đã xuất hiện nhiều thiết bị làm nhiễu, phá sóng GPS được nhập từ Trung Quốc với giá rẻ gây khó khăn trong việc theo dõi vị trí và xác định vi phạm của lái xe”, ông Bình cho biết. 

Ông Lê Chí Thành, cán bộ điều hành vận tải xe chạy tuyến Bảo Lộc - Hải Dương, bức xúc về việc sai số quá lớn giữa số liệu thống kê vi phạm tốc độ của Tổng Cục đường bộ Việt Nam và Công ty cung cấp TBGSHT. 

Ông Thành đưa ra dẫn chứng cụ thể: “Trong một tháng, từ ngày 17.7 - 19.8.2014, xe ô tô khách biển kiểm soát 49B-004.36 của công ty chúng tôi bị Tổng Cục đường bộ Việt Nam thống kê số lần vi phạm tốc độ là hơn 2.000 lần để Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng rút phù hiệu khiến xe phải nghỉ chạy. Tuy nhiên, theo thống kê của đơn vị cung cấp TBGS thì trong thời gian này xe khách trên chỉ vi phạm tốc độ một lần”. 

Ông Thành và nhiều đại diện doanh nghiệp vận tải, Sở GTVT các tỉnh đề nghị Tổng Cục đường bộ Việt Nam cần phải có cách tính thống nhất về lỗi vi phạm tốc độ để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho rằng có sự sai lệch số liệu như trên là do kỹ thuật đường truyền. “Các Sở GTVT nên xem số liệu thống kê là cơ sở để xác minh chứ đừng thu hồi phù hiệu xe để xe phải dừng hoạt động. Phải có cách tính toán cụ thể để giảm thiệt hại cho đơn vị vận tải”, ông Quyền nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét